Đặt bẫy bả diệt sâu cho rau

,

HCNN - Để thu được hiệu quả kinh tế cao, người trồng rau đã không ngừng đầu tư thâm canh cho ruộng rau nhà mình.

Đất trồng rau được quay vòng liên tục, có khi buổi sáng vừa nhổ rau bán thì buổi chiều đã trồng lại vụ kế tiếp (như hành lá, cải xanh…). Việc làm trên đã góp phần làm cho sâu bệnh trên cánh đồng rau ngày một gia tăng và gây hại nặng. Khiến cho việc sử dụng thuốc trừ sâu trên ruộng rau ngày một nhiều và cận kề ngày thu hoạch, điều này cực kỳ nguy hiểm cho người sử dụng.

Cánh đồng rau có khá nhiều loài sâu hại, như: sâu ăn tạp (sâu khoang), sâu xám, sâu cắn lá, sâu keo…, chúng có sở thích ăn thêm các loại thức ăn có mùi chua ngọt trước khi giao phối, đẻ trứng. Lợi dụng đặc tính này của sâu, chúng ta có thể không cần phải phun xịt thuốc trực tiếp trên ruộng rau mà vẫn tiêu diệt được chúng, bằng cách sử dụng bẫy bả chua ngọt.

Biện pháp dùng bẫy bả chua ngọt là chỉ pha thuốc vào bả, sau đó đặt bả trong ruộng rau, bả sẽ dẫn dụ con trưởng thành của sâu bay đến ăn, ngộ độc thuốc mà chết, cách diệt sâu như vậy giúp cho cây rau sẽ không bị nhiễm thuốc. Đây là biện pháp diệt sâu rất chủ động, ngay từ khi con “sâu mẹ” chưa kịp đẻ ra con “sâu con”, đi cắn phá cây rau.

Việc thực hiện biện pháp này cũng khá đơn giản, gồm một số công việc như sau:

1- Chuẩn bị bả chua ngọt:

Dùng 4 phần mật (đường đen) trộn với 4 phần dấm, một phần rượu và một phần nước, khuấy kỹ để dung dịch này tan đều. Cho vào can nhựa, bình nhựa… đậy kín, chờ 3-4 ngày sau, khi thấy dung dịch bốc mùi chua ngọt thì trộn thêm thuốc trừ sâu, với liều lượng cứ 100 phần dung dịch chua ngọt cho thêm một phần thuốc trừ sâu Vicarp 95BHN. Hoặc có thể dùng sản phẩm mới VIRIGENT 800WG dạng hạt phân tán trong nước, không mùi khi pha trộn với bả chua ngọt nên dễ dẫn dụ côn trùng như sâu và kiến.

2- Đặt bẫy bả:

Có hai cách đặt bẫy bả:

- Cách thứ nhất: Cho bả vào chậu sành, chậu nhựa... mỗi chậu khoảng 0,25-0,5 lít. Dùng 3 cây que cắm chéo, cột trên đầu lại, tạo thành một cái giá treo chậu bả, chậu bả treo ở độ cao cách mặt đất từ 0,5-1 mét, nơi đầu gió. Mỗi ha đặt 7-10 chậu, mỗi tuần thay bả mới một lần. Để tránh mưa nắng làm hư bả, ban ngày các bạn nhớ đậy nắp chậu đựng bả lại, ban đêm mới mở nắp.

- Cách thứ hai: Lấy một đoạn gốc rạ dài khoảng 40-50 cm, bó một đầu lại thành từng bó lớn cỡ một chẹn tay (một đầu xòe ra), mỗi bó cắm trên một cọc tre dài khoảng 1 mét. Nhúng bó rạ vào dung dịch bả chua ngọt, rồi cắm trên ruộng rau. Mỗi ha cắm khoảng 10-15 bó. Cứ 3-5 ngày nhúng lại bó rạ vào dung dịch bả một lần.

Ngoài ra, cũng có thể sử dụng bả độc bằng cách: Cứ một phần thuốc Visher 25EC trộn với 10-15 phần mồi cám (hoặc bột bắp) thấm nước cho nhão rồi đặt rải rác thành từng mô nhỏ trong ruộng rau vào buổi tối. Đến đêm sâu non tuổi lớn chui từ đất lên gây hại cho cây, ăn phải bả trúng độc mà chết. Nếu làm cách này, chúng ta nhớ không cho gia súc, gia cầm chui vào ruộng dễ ăn phải bả, độc thuốc.

-----

HÀ MINH

Xem chi tiết!

QUY CHUẨN KHẢO NGHIỆM ĐỒNG RUỘNG HIỆU LỰC THUỐC TRỪ SÂU

,

Ngày 28-8-2009 Bộ NN-PTNT ban hành thông tư số 55/2009/TT-BNN về Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về Khảo nghiệm trên đồng ruộng hiệu lực của các thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu và nhện hại cây trồng. Ký hiệu: QCVN 01-1 : 2009/BNNPTNT.

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA

VỀ KHẢO NGHIỆM TRÊN ĐỒNG RUỘNG HIỆU LỰC CỦA CÁC THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT PHÒNG TRỪ SÂU

VÀ NHỆN HẠI CÂY TRỒNG

National technical regulation on field trials of insecticides against insects and mite on plants

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Phạm vi áp dụng

Qui chuẩn này qui định những nguyên tắc, nội dung và phương pháp chủ yếu để đánh giá hiệu lực phòng trừ sâu và nhện hại cây trồng của các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên đồng ruộng.

1.2. Cở sở khảo nghiệm

Khảo nghiệm phải được tiến hành tại các cơ sở có đủ điều kiện theo quy định hiện hành về kiểm định chất lượng, dư lượng thuốc BVTV và khảo nghiệm thuốc BVTV của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

1.3. Điều kiện khảo nghiệm

Khảo nghiệm được bố trí trên những ruộng, vườn trồng cây thường bị sâu, nhện gây hại, tại các thời gian có điều kiện thuận lợi cho sâu, nhện phát triển và ở các địa điểm đại diện cho các vùng sinh thái.

Điều kiện trồng trọt (đất, phân bón, giống cây trồng, mật độ trồng...) phải đồng đều trên toàn khu khảo nghiệm và phải phù hợp với tập quán canh tác tại địa phương.

1.4. Khảo nghiệm diện hẹp và diện rộng

Các khảo nghiệm trên diện hẹp và diện rộng phải được tiến hành ở ít nhất 2 vùng sản xuất nông nghiệp (phía Bắc và phía Nam) đại diện cho khu vực sản xuất các loại cây trồng cần khảo nghiệm, nhưng nhất thiết phải tiến hành trên diện hẹp trước. Nếu kết quả thu được từ những khảo nghiệm trên diện hẹp đạt yêu cầu thì mới được thực hiện các khảo nghiệm trên diện rộng.

Trong trường hợp đối tượng dịch hại hoặc cây trồng chỉ có ở một vùng sản xuất nông nghiệp thì khảo nghiệm được tiến hành theo quy định hiện hành về kiểm định chất lượng, dư lượng thuốc BVTV và khảo nghiệm thuốc BVTV của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

II. PHƯƠNG PHÁP KHẢO NGHIỆM

2.1. Công thức khảo nghiệm

Các công thức khảo nghiệm được chia thành 3 nhóm:

- Nhóm 1: công thức khảo nghiệm dùng các loại thuốc định khảo nghiệm ở những liều lượng khác nhau hoặc theo cách dùng khác nhau.

- Nhóm 2: công thức so sánh dùng một loại thuốc trừ sâu đã được đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam và đang được dùng phổ biến, có hiệu quả ở địa phương để trừ sâu hại cây trồng cần khảo nghiệm.

- Nhóm 3: công thức đối chứng không dùng bất kỳ loại thuốc BVTV nào để trừ đối tượng sâu, nhện hại khảo nghiệm. Với khảo nghiệm là thuốc phun: công thức đối chứng được phun bằng nước lã.

Khảo nghiệm được bố trí theo phương pháp khối ngẫu nhiên đầy đủ hoặc theo các phương pháp khác đã được quy định trong thống kê sinh học.

2.2. Kích thước ô khảo nghiệm và số lần nhắc lại

2.2.1. Đối với cây lúa, cây rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày

- Khảo nghiệm diện hẹp: kích thước của mỗi ô khảo nghiệm ít nhất là 30m2, số lần nhắc lại 3 - 4 lần.

- Khảo nghiệm diện rộng: kích thước của mỗi ô khảo nghiệm ít nhất là 300m2, không nhắc lại.

Giữa các công thức khảo nghiệm phải có dải phân cách là 1m.

2.2.2. Đối với cây ăn quả và cây công nghiệp dài ngày

- Khảo nghiệm diện hẹp: kích thước của mỗi ô khảo nghiệm ít nhất là 5 cây, số lần nhắc lại 3 - 4 lần.

- Khảo nghiệm diện rộng: kích thước của mỗi ô khảo nghiệm ít nhất là 15 cây, không nhắc lại.

Giữa các công thức khảo nghiệm phải có 1 hàng cây phân cách.

2.3.Tiến hành phun, rải thuốc

2.3.1. Thuốc phải được phun, rải đều trên toàn ô khảo nghiệm

2.3.2. Lượng thuốc dùng

- Cây lúa: lượng thuốc dùng được tính bằng kg; lít chế phẩm hay nồng độ (%) hoặc gam hoạt chất trên đơn vị diện tích 1 ha

Với dạng thuốc thương phẩm pha với nước để phun: lượng nước dùng phải theo hướng dẫn cụ thể đối với từng loại thuốc, phù hợp với giai đoạn sinh trưởng của cây cũng như cách thức tác động của từng loại thuốc. Lượng nước thuốc thường dùng từ 400 - 600 l/ha.

Với dạng thuốc thương phẩm dùng để rắc: giữa các ô phải có bờ ngăn để tránh thuốc tràn từ ô này sang ô khác.

- Cây rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày: lượng thuốc dùng được tính bằng kg; lít chế phẩm hay nồng độ (%) hoặc gam hoạt chất trên đơn vị diện tích 1 ha

Với dạng thuốc thương phẩm pha với nước để phun: lượng nước dùng phải theo hướng dẫn cụ thể đối với từng loại thuốc, phù hợp với giai đoạn sinh trưởng của cây cũng như cách thức tác động của từng loại thuốc. Lượng nước thuốc thường dùng từ 400 - 600 l/ha.

- Cây ăn quả và cây công nghiệp dài ngày: lượng thuốc dùng được tính bằng nồng độ (%) của chế phẩm hay kg; lít chế phẩm hoặc gam hoạt chất trên đơn vị diện tích 1 ha

Với dạng thuốc thương phẩm pha với nước để phun: lượng nước dùng phải theo hướng dẫn cụ thể đối với từng loại thuốc, phù hợp với giai đoạn sinh trưởng của cây cũng như cách thức tác động của từng loại thuốc. Lượng nước thuốc phải đủ phun ướt đều toàn bộ tán cây (lượng nước thuốc thường dùng từ 600 - 800 l/ha).

Các số liệu về lượng thuốc thành phẩm và lượng nước dùng (l/ha) phải được ghi rõ.

Chú ý: khi xử lý thuốc không để thuốc ở ô khảo nghiệm này tạt sang ô khảo nghiệm khác.

2.3.3. Sử dụng thuốc

Trong thời gian khảo nghiệm không được dùng bất kỳ một loại thuốc trừ sâu khác trên khu khảo nghiệm. Nếu khu khảo nghiệm bắt buộc phải sử dụng thuốc để trừ các đối tượng gây hại khác như: bệnh, cỏ dại ... thì thuốc được dùng để trừ các đối tượng này phải không làm ảnh hưởng đến thuốc cần khảo nghiệm, không làm ảnh hưởng đến đối tượng sâu, nhện hại cần khảo nghiệm và phải được phun rải đều trên tất cả các ô khảo nghiệm, kể cả ô đối chứng. Các trường hợp trên (nếu có) phải được ghi chép lại.

2.3.4. Xử lý thuốc

Khi xử lý thuốc, phải dùng các công cụ phun, rải thuốc thích hợp đảm bảo yêu cầu của khảo nghiệm, ghi chép đầy đủ tình hình vận hành của công cụ rải thuốc. Trong khảo nghiệm có thể dùng bình bơm tay đeo vai hoặc bơm động cơ để phun.

2.3.5. Thời điểm và số lần xử lý thuốc

- Thời điểm và số lần xử lý thuốc phải được thực hiện đúng theo hướng dẫn sử dụng của từng loại thuốc khảo nghiệm và phù hợp với mục đích khảo nghiệm.

- Nếu không có khuyến cáo cụ thể thời điểm xử lý thuốc thì tuỳ theo mục đích khảo nghiệm, các đặc tính hoá học, phương thức tác động của thuốc và đặc điểm phát sinh của sâu hại mà xác định thời điểm và số lần xử lý thuốc cho thích hợp.

- Thuốc trừ sâu, nhện hại cây trồng thường được xử lý từ 1 - 2 lần. Lần thứ nhất được xử lý khi sâu hại bắt đầu xuất hiện và gây hại, lần sau cách lần thứ nhất từ 5-7 ngày. Số lần và thời điểm xử lý thuốc phải được ghi chép lại.

2.4. Điều tra và thu thập số liệu

2.4.1. Điều tra, đánh giá tác động của thuốc đến sâu hại

2.4.1.1. Số điểm và phương pháp điều tra

+ Cây lúa

Khảo nghiệm diện hẹp: mỗi ô khảo nghiệm điều tra 50 khóm, dảnh hoặc 5 khung có kích thước 0,4 x 0,5m tuỳ theo đối tượng sâu hại cần khảo nghiệm, các điểm điều tra được phân bố đều trên toàn ô khảo nghiệm.

Khảo nghiệm diện rộng: mỗi ô khảo nghiệm điều tra 100 khóm, dảnh hoặc 10 khung có kích thước 0,4 x 0,5m tuỳ theo đối tượng sâu hại cần khảo nghiệm, các điểm điều tra được phân bố đều trên toàn ô khảo nghiệm.

+ Cây rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày

Khảo nghiệm diện hẹp: mỗi ô khảo nghiệm điều tra 20 cây hoặc 5 điểm, mỗi điểm 2m chiều dài dọc theo luống hoặc mỗi điểm một khung (0,4 x 0,5 m) tuỳ theo đối tượng sâu hại và cây trồng cần khảo nghiệm, các điểm điều tra được phân bố đều trên toàn ô khảo nghiệm.

Khảo nghiệm diện rộng: mỗi ô khảo nghiệm điều tra 50 cây hoặc 10 điểm, mỗi điểm 2m chiều dài dọc theo luống hoặc mỗi điểm một khung (0,4 x 0,5 m) tuỳ theo đối tượng sâu hại và cây trồng cần khảo nghiệm, các điểm điều tra được phân bố đều trên toàn ô khảo nghiệm.

+ Cây ăn quả và cây công nghiệp dài ngày

Khảo nghiệm diện hẹp: mỗi ô khảo nghiệm điều tra 3 cây, mỗi cây điều tra số sâu sống trên 8 cành lộc hay chùm hoa, quả hoặc cành ở xung quanh tán cây tuỳ theo đối tượng sâu hại và cây trồng cần khảo nghiệm.

Khảo nghiệm diện rộng: mỗi ô khảo nghiệm điều tra 5 – 9 cây, mỗi cây điều tra số sâu sống trên 8 cành lộc hay chùm hoa, quả hoặc cành ở xung quanh tán cây tuỳ theo đối tượng sâu hại và cây trồng cần khảo nghiệm.

2.4.1.2. Thời điểm điều tra

Thời điểm và số lần điều tra có thể thay đổi tuỳ thuộc vào đặc tính của từng loại thuốc và tuỳ theo yêu cầu của từng nhà sản xuất thuốc. Nếu thuốc không khuyến cáo rõ thời điểm và số lần điều tra thì điều tra được tiến hành vào thời điểm trước khi xử lý thuốc và 1, 3, 7, 10 ngày sau khi xử lý thuốc.

2.4.1.3. Chỉ tiêu điều tra

+ Với các loài sâu, nhện hại điều tra được mật độ

Mật độ sâu, nhện sống (con/cây, lá, chồi, dảnh ...)

Hiệu lực của thuốc (%)

+ Với các loài sâu, nhện hại khó điều tra mật độ

Tỷ lệ hại (%)

Chỉ số hại (%)

+ Năng suất và các chỉ tiêu khác tuỳ thuộc vào đối tượng sâu hại và cây trồng cần khảo nghiệm.

2.4.1.4. Xử lý số liệu

Hiệu lực của thuốc được tính theo công thức Henderson – Tilton hoặc các công thức khác cho phù hợp.

Những số liệu thu được qua khảo nghiệm diện hẹp cần được xử lý bằng các phương pháp thống kê thích hợp. Những kết luận của khảo nghiệm phải được rút ra từ các kết quả đã được xử lý bằng phương pháp thống kê đó.

2.4.2. Đánh giá tác động của thuốc đến cây trồng

Cần đánh giá mọi ảnh hưởng tốt, xấu của thuốc (nếu có) đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng theo thang phân cấp (phụ lục1).

Phương pháp đánh giá:

Những chỉ tiêu nào có thể đo đếm được cần được biểu thị bằng các số liệu cụ thể theo các phương pháp điều tra phù hợp.

Các chỉ tiêu chỉ có thể đánh giá bằng mắt như độ cháy lá, quăn lá, sự thay đổi màu sắc lá ... thì phải được mô tả.

Nếu thuốc làm ảnh hưởng đến cây trồng phải theo dõi và nghi nhận ngày cây phục hồi trở lại.

2.4.3. Nhận xét tác động của thuốc đến sinh vật khác

Cần ghi chép mọi ảnh hưởng tốt, xấu (nếu có) của thuốc đến sự thay đổi của các loại sâu, bệnh, cỏ dại khác cũng như sinh vật có ích.

2.4.4. Quan sát và ghi chép về thời tiết

Ghi chép các số liệu về nhiệt độ, ẩm độ, lượng mưa trong suốt thời gian khảo nghiệm. Nếu khu khảo nghiệm gần trạm khí tượng thì lấy số liệu của trạm.

III. BÁO CÁO VÀ CÔNG BỐ KẾT QUẢ

3.1. Nội dung báo cáo ( Phụ lục 2)

3.2. Công bố kết quả

Đơn vị thực hiện khảo nghiệm phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về số liệu đưa ra trong báo cáo.

Đối với các khảo nghiệm thuốc trừ sâu hại cây trồng chưa có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, Cục BVTV tập hợp các số liệu đó để xem xét khi các đơn vị, tổ chức có thuốc xin đăng ký.



Phụ lục 1.

Bảng phân cấp mức độ độc của thuốc khảo nghiệm đối với cây trồng

Cấp Triệu chứng nhiễm độc.

1 Cây chưa có biểu hiện ngộ độc.

2 Ngộ độc nhẹ, sinh trưởng của cây giảm nhẹ.

3 Có triệu chứng ngộ độc nhẹ nhìn thấy bằng mắt.

4 Triệu chứng ngộ độc nhưng chưa ảnh hưởng đến năng suất.

5 Cành lá biến màu hoặc cháy, thuốc gây ảnh hưởng đến năng suất.

6 Thuốc làm giảm năng suất ít

7 Thuốc gây ảnh hưởng nhiều đến năng suất

8 Triệu chứng ngộ độc tăng dần tới làm chết cây

9 Cây bị chết hoàn toàn

Nếu cây bị ngộ độc thuốc, cần xác định bao nhiêu ngày sau thì cây phục hồi.

Phụ lục 2.

Nội dung chính báo cáo khảo nghiệm

· Tên khảo nghiệm.

· Yêu cầu của khảo nghiệm.

· Điều kiện khảo nghiệm:

- Đơn vị khảo nghiệm.

- Tên cán bộ tiến hành khảo nghiệm

- Thời gian khảo nghiệm.

- Địa điểm khảo nghiệm.

- Nội dung khảo nghiệm.

- Đặc điểm khảo nghiệm.

- Đặc điểm đất đai, canh tác, giống cây trồng...

- Đặc điểm thời tiết trong quá trình khảo nghiệm.

- Tình hình phát sinh và phát triển của sâu hại cây trồng trong khu thí nghiệm.

· Phương pháp khảo nghiệm:

- Công thức khảo nghiệm.

- Phương pháp bố trí khảo nghiệm.

- Số lần nhắc lại.

- Kích thước ô khảo nghiệm.

- Dụng cụ phun, rải thuốc.

- Lượng thuốc dùng kg, lít thuốc thương phẩm/ha hay g (kg) hoạt

chất/ha hoặc nồng độ %.

- Lượng nước thuốc dùng (l/ha).

- Ngày xử lý thuốc.

- Phương pháp điều tra và đánh giá hiệu lực của các loại thuốc khảo nghiệm.

· Kết quả khảo nghiệm:

- Các bảng số liệu.

- Đánh giá hiệu lực của từng loại thuốc.

- Nhận xét tác động của từng loại thuốc đến cây trồng, sinh vật có ích và các ảnh hưởng khác (xem phụ lục).

· Kết luận và đề nghị.

Xem chi tiết!

Dasvila - Điều kỳ diệu ở Đồng Tháp

,

Ruộng lúa giống khảo nghiệm của anh Trần Văn Thông, ấp Bình Hiệp B, xã Bình Thạnh Trung (Lấp Vò - Đồng Tháp) sử dụng Dasvila liên tục đã 3 vụ

“Dasvila - Kẻ phá bĩnh” vì với đặc tính giảm 40% đạm, 80% lân, rồi đây Cục Trồng trọt sẽ phải xem xét lại quy trình phân bón cho lúa, các nhà SX phân bón phải xem xét các công thức phân và kỹ thuật "bón phân vá áo" cũng không còn cần thiết.

Muốn mua phải đăng ký

Khác hẳn với cảnh tượng đìu hiu của các cửa hàng vật tư nông nghiệp ĐBSCL đang mùa nước nổi là không khí khẩn trương, tất bật của CBCNV công ty Dasco (Cty dịch vụ PTNT Đồng Tháp, đơn vị nhận chuyển giao công nghệ của trường Đại học Cần Thơ sản xuất chế phẩm vi sinh Dasvila). Hẹn hò mãi mới gặp được Thạc sỹ Võ Hùng Nhiệm, trưởng phòng RD Maketing của Dasco. Chiều thứ 7, Nhiệm vừa kết thúc buổi thuyết trình Dasvila tại Thanh Bình cũng vừa về tới – Anh thông cảm, em bận quá không đi cùng anh được, nhân viên em sẽ đưa anh đi tới bất cứ địa chỉ nào anh muốn.

Anh Đinh Văn Khưu, nông dân sản xuất giỏi chuyên sản xuất lúa giống ở ấp Nhơn Quới, xã Vĩnh Thạnh, Lấp Vò vào đề ngay sau cái bắt tay hồ hởi – Dasvila thì đúng là tuyệt vời, ồ không trên cả tuyệt vời. Anh Khưu đã sử dụng Dasvila liên tục 3 vụ liền trên diện tích 2,3 ha. Trước đây khi chưa dùng Dasvila, cứ mỗi công (1.000 m2) anh sử dụng 16 kg urea + 11 kg DAP + 7 kg kali (quy chuẩn 96 kg N, 50 kg P2O5, 42 kg K2O) nhưng nay chỉ sử dụng 14 kg urea + 6 kg kali (quy chuẩn 64 kg N, 0 kg P2O5, 36 kg K2O) tính ra anh đã tiết giảm được 40% đạm, 100% lân và 10% kali, một giá trị không nhỏ. Anh Khưu cho biết, đã hơn chục năm nay năng suất của anh ở mức ổn định 8,5 T/ha ở vụ ĐX và 6,1 T/ha ở vụ HT. Do năng suất đã “kịch trần” nên muốn tăng lợi nhuận thì khả thi nhất là giảm chi phí.

Cùng dân sản xuất lúa giống chuyên nghiệp, nhưng ông Trần Văn Thông, ấp Bình Hiệp B, xã Bình Thạnh Trung (Lấp Vò) lại có triết lý khác – Mình là dân chuyên nghiệp, bán giống lại được giá cao nên sá chi mấy con rầy, cháy lá, muốn năng suất tối đa thì cứ việc phân bón tối đa, bởi vậy so với khuyến cáo của nhà sản xuất anh chỉ giảm 20% đạm và 100% lân. Năng suất vụ vừa rồi anh đạt 7,96 T/ha, bán giống được giá 5.050 đ/kg. Sau khi trừ chi phí anh còn lợi nhuận 28,56 triệu/ha/vụ.

Điều cả 2 anh nông dân chuyên nghiệp khoái nhất là khi sử dụng Dasvila thì không còn sợ lốp, không sợ dư đạm, không còn chỗ xanh chỗ vàng do bón phân không đều và nhẹ chi phí thuốc phòng trừ sâu bệnh.

Theo sổ sách của Dasco thì diện tích sử dụng Dasvila đang tăng lên hàng ngày theo cấp số nhân. Tổng diện tích sử dụng chế phẩm này đã lên tới 7.000 ha. Dự báo diện tích sử dụng sẽ bùng nổ vào vụ ĐX tới, bởi vậy ngay từ bây giờ Dasco đã phải yêu cầu khách hàng đăng ký, còn xưởng SX thì hoạt động tốc lực hết công suất bất kể ngày đêm.

Lợi thế vi khuẩn bản địa

Một số người dân ở xã Vĩnh Thạnh cho biết, trước đây họ đã từng sử dụng Wehg, một chế phẩm của Mỹ hiệu quả. Tuy nhiên khi có Dasvila thì họ quên luôn Wehg. Nông dân bỏ Wehg không chỉ vì giá Wehg đắt hơn (chi phí Wehg 2,8 triệu/ha/vụ, chi phí Dasvila chỉ 0,5 triệu/ha/vụ) mà còn nếu dùng Wehg thì phải 5 lần phun xịt, trong lúc đó với Dasvila thì chỉ cần trộn một lần duy nhất với giống đã nảy mầm trước lúc sạ 3 giờ (với lúa cấy thì tẩm rễ mạ trong dung dịch trước khi cấy 3 giờ).

Vậy công nghệ vi sinh VN hiện đại hơn công nghệ vi sinh của các nước tiên tiến chăng? Th.S Nguyễn Phước Tuyên giải thích – So với Mỹ, Nhật, thậm chí với Trung Quốc thì công nghệ vi sinh của VN còn kém xa, mà bằng chứng là sản phẩm Wehg có hạn dùng tới 2 năm, còn với Dasvila chỉ 6 tháng. Vấn đề ở chỗ các thầy ĐH Cần Thơ đã phân lập được vi khuẩn bản địa, có sức sống cao hơn, hoạt động hiệu quả hơn trong điều kiện đất đai, khí hậu, giống lúa của VN hơn là mấy con vi sinh ngoại nhập.

Vẫn theo Th.S Tuyên, có 2 con vi khuẩn trong chế phẩm Dasvila, vi khuẩn cố định đạm – Azosbium, vi khuẩn phân giải lân – Pseubomonas. Khi trộn với lúa đã nảy mầm, vi khuẩn cố định đạm xâm nhập vào phía đầu rễ nhờ một enzyme tương tác, sau đó chúng sử dụng màng nguyên sinh chất của tế bào rễ lúa bao ngoài để ngụy trang và theo các bó mạch di chuyển dần lên lá. Ở đấy chúng sử dụng các dinh dưỡng của cây lúa để tăng mật số tạo khuẩn lạc, hút nitơ từ không khí để cố định đạm và chia sẻ phần đạm cố định được cho lúa theo kiểu cộng sinh nội sinh, đồng thời vi khuẩn còn tiết ra hoóc môn kích thích rễ lúa phát triển mạnh. Còn với vi khuẩn phân giải lân thì chúng ngoại cộng sinh theo cách sống tập trung ở xung quanh rễ, sử dụng một số chất dinh dưỡng do rễ lúa tiết ra và phân giải lân khó tiêu có sẵn trong đất thành lân dễ tiêu, nhờ vậy mà cây lúa hấp thu được.

Quang Ngọc

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/45/45/39537/Default.aspx

Xem chi tiết!